top of page

Năm yếu tố cơ bản của khung chương trình giáo dục mầm mon Phần Lan (ECEC)

Chương trình giáo dục mầm non Phần Lan, hay Early Childhood Education and Care (ECEC), nghiên về cách tiếp cận tổng thể (holistic) và tiên tiến (progressive) trong việc giáo dục trẻ em từ 0-6 tuổi. Điều làm nên sự khác biệt của ECEC là triết lý giáo dục chú trọng vào:

  • Việc tôn trọng trẻ như một cá nhân, 

  • Khuyến khích sự phát triển tổng thể (holistic), và 

  • Tạo ra môi trường học tập thân thiện. 

Trẻ dần học cách đối diện và giải quyết vấn đề trong các tình huống xã hội.
Thông qua vui chơi trẻ có khả năng phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề

Nhưng cụ thể, ECEC khác biệt như thế nào? Trong khuôn khổ bài viết này, cô Paula Hoppu, Trưởng Bộ Phận Sư Phạm của HEI Schools Saigon Central sẽ chia sẻ năm đặc tính cơ bản của chương trình ECEC, đi kèm với các nghiên cứu khoa học cốt lõi tạo nên cách tiếp cận của giáo dục mầm non và những ví dụ thực tiễn tại Phần Lan.


1. Học tập thông qua vui chơi (Learning through Play)


Tại Phần Lan, vui chơi không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí mà là một phương pháp học tập chủ đạo cho trẻ nhỏ. Trong một lớp học mầm non ở Phần Lan, các bé thường được khuyến khích tham gia vào các trò chơi nhập vai như “cửa hàng bán bánh” hay “bệnh viện”. Những trò chơi này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn học cách chia sẻ, lắng nghe và làm việc nhóm. Qua đó, trẻ dần học cách đối diện và giải quyết vấn đề trong các tình huống xã hội.


Trong cuốn sách Play and Learning in the Early Years: From Research to Practice xuất bản năm 2010 của các tác giả Broadhead, P., Howard, J., & Wood, E. và Tools of the Mind: The Vygotskian Approach to Early Childhood Education xuất bản năm 2011 của 2 tiến sĩ giáo dục sớm Bodrova, E., & Leong, D. J. đã nghiên cứu về tầm quan trọng của vui chơi trong giáo dục mầm non và cách vui chơi giúp phát triển xã hội, cảm xúc, và tư duy sáng tạo ở trẻ nhỏ. Học tập thông qua vui chơi không chỉ cho phép trẻ tự do khám phá thế giới xung quanh, phát triển khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm, mà còn thông qua vui chơi trẻ có khả năng phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề cao hơn so với những trẻ chỉ tham gia vào các hoạt động học tập truyền thống. 


“Bên cạnh đó, các nghiên cứu này cũng đề cao tầm quan trọng của vai trò người lớn (đặc biệt là phụ huynh và giáo viên) trong việc hỗ trợ sự phát triển của trẻ thông qua các hoạt động vui chơi có định hướng” - theo cô Paula Hoppu.


Giáo dục dựa trên nhịp độ cá nhân giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và không bị so sánh
Giáo dục dựa trên nhịp độ cá nhân giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và không bị so sánh

2. Tôn trọng nhịp độ phát triển cá nhân (Respect for Individual Development)


Một điểm nổi bật của chương trình ECEC là việc tôn trọng nhịp độ phát triển của mỗi trẻ (children's pace). Không có áp lực đặt ra để trẻ phải đạt được những mốc phát triển cụ thể vào một độ tuổi nhất định. Mỗi trẻ được khuyến khích phát triển theo nhịp độ riêng của mình.


Cô Paula Hoppu chia sẻ việc giáo dục dựa trên nhịp độ cá nhân giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và không bị so sánh với các bạn cùng trang lứa. Chẳng hạn, nếu một bé chưa sẵn sàng học cách cầm bút và viết chữ, giáo viên sẽ không ép buộc, thay vào đó sẽ khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thủ công nhẹ nhàng, giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh theo cách tự nhiên.


Trong nghiên cứu Well-Being and Involvement in Care: A Process-Oriented Self-Evaluation Instrument vào năm 2005 của Tiến sĩ Laevers, F. cũng đưa ra nhiều chứng cứ thuyết phục cho việc tôn trọng nhịp độ phát triển cá nhân giúp trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái hơn trong môi trường học tập, từ đó tăng cường sự tò mò và hứng thú học hỏi.


3. Môi trường học tập đa dạng và tích cực (Diverse and Positive Learning Environment)


Môi trường học tập tại các trường mầm non Phần Lan được thiết kế sao cho trẻ có thể thoải mái di chuyển, khám phá và học tập theo cách tự nhiên. Môi trường này bao gồm không gian trong nhà và ngoài trời, với các khu vực dành riêng cho các hoạt động như đọc sách, vẽ tranh, chơi cát, và thí nghiệm.


Ví dụ, trong các trường mầm non ở Phần Lan, trẻ em thường có các hoạt động ngoài trời vào mùa đông. Mặc dù thời tiết lạnh, trẻ vẫn được khuyến khích ra ngoài, tham gia các trò chơi với tuyết như xây người tuyết, trượt tuyết, và khám phá tự nhiên. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn khuyến khích tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường xung quanh.


Trong cuốn sách Finnish Lessons 3.0: What Can the World Learn from Educational Change in Finland? Của Tiến sĩ và là nhà làm chính sách giáo dục nổi tiếng tại Phần Lan Pasi Sahlberg cho rằng môi trường học tập đa dạng và tích cực là một phần quan trọng giúp trẻ phát triển linh hoạt và sáng tạo.


Mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình đóng vai trò rất quan trọng
Mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình đóng vai trò rất quan trọng

4. Sự tương tác chặt chẽ giữa giáo viên và gia đình (Strong Teacher-Family Interaction)


Trong chương trình ECEC, mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Giáo viên không chỉ dạy trẻ mà còn đóng vai trò là người hỗ trợ cho gia đình, đảm bảo rằng các nhu cầu và mong muốn của trẻ được lắng nghe và thấu hiểu. Cô Paula nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa giáo viên và gia đình là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Sự hợp tác chặt chẽ giữa giáo viên và gia đình giúp cải thiện môi trường học tập cho trẻ, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa trẻ và gia đình.


Tại các trường mầm non công lập ở Phần Lan, giáo viên thường xuyên tổ chức các buổi họp với phụ huynh để thảo luận về tiến trình phát triển của trẻ. Qua đó, giáo viên có thể cung cấp những lời khuyên phù hợp về cách hỗ trợ trẻ tại nhà, đồng thời lắng nghe những lo lắng và mong đợi của phụ huynh.


5. Phát triển kỹ năng sống (Life Skills Development)


Chương trình ECEC tại Phần Lan không chỉ tập trung vào việc phát triển kiến thức mà còn đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ các kỹ năng sống cơ bản. Trẻ em học cách tự chăm sóc bản thân, như mặc quần áo, dọn dẹp sau khi ăn, và thậm chí tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn nhẹ.


“Trong các trường mầm non Phần Lan, trẻ em thường được khuyến khích tự mặc áo khoác và đeo găng tay khi ra ngoài vào mùa đông. Giáo viên không can thiệp ngay khi trẻ gặp khó khăn, mà thay vào đó, họ hỗ trợ trẻ tìm ra giải pháp và tự làm mọi việc. Điều này giúp trẻ phát triển tính tự lập và sự kiên nhẫn. Việc phát triển kỹ năng sống từ sớm giúp trẻ xây dựng sự tự tin và khả năng tự giải quyết vấn đề, đồng thời trang bị cho trẻ nền tảng vững chắc để thích nghi với những thách thức trong tương lai” - cô Paula chia sẻ.


Comments


bottom of page