top of page

Góc nhìn HEI Schools #6: Độ tuổi thích hợp để bắt đầu đi học

“Một nghiên cứu tại Đại Học Helsinki, Phần Lan, chỉ ra rằng trẻ em được bắt đầu đến trường mầm non ở độ tuổi 2-4 không chỉ phát triển tốt về mặt ngôn ngữ mà còn có khả năng tập trung cao hơn. Những kỹ năng này rất cần thiết để trẻ có thể học tập hiệu quả và tự tin khi bước vào các cấp học cao hơn” - theo cô Paula Hoppu.


rong giai đoạn từ 2 đến 4 tuổi, trẻ em bắt đầu thể hiện sự tò mò mạnh mẽ về thế giới xung quanh
Trong giai đoạn từ 2 -4 tuổi, trẻ bắt đầu thể hiện sự tò mò mạnh mẽ về thế giới xung quanh

Lựa chọn thời điểm cho trẻ bắt đầu đến trường mầm non là một quyết định quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Việc này không chỉ liên quan đến sự phát triển thể chất của trẻ mà còn tác động đến sự phát triển tâm lý, nhận thức, thẩm mỹ, xã hội và trí tuệ. Trên thế giới đã có rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng độ tuổi khi trẻ bắt đầu đến trường mầm non có thể ảnh hưởng đến cả quá trình học tập sau này. Vậy độ tuổi nào là phù hợp nhất để trẻ bước vào môi trường giáo dục mầm non? Dưới đây là cái nhìn tổng quát dựa trên một số nghiên cứu uy tín và từ kinh nghiệm của cô Paula Hoppu - Trưởng Bộ Phận Sư Phạm & Chương Trình tại HEI Schools Saigon Central.


Những nghiên cứu về độ tuổi bắt đầu đi học


Tổ chức National Institute of Child Health and Human Development (NICHD) tại Mỹ đã tiến hành một trong những cuộc nghiên cứu dài hạn lớn nhất về sự phát triển của trẻ em từ năm 1991 có tên The NICHD Study of Early Child Care and Youth Development. Kết quả cho thấy, trẻ bắt đầu đi học mầm non ở độ tuổi 2-4 có xu hướng phát triển tốt hơn về mặt ngôn ngữ và kỹ năng xã hội so với trẻ bắt đầu muộn hơn. Điều này một phần là do môi trường học tập mầm non cung cấp cho trẻ cơ hội tương tác với bạn bè và phát triển các kỹ năng giao tiếp sớm hơn.


Ngoài ra, một nghiên cứu chuyên sâu khác của tổ chức The Effective Provision of Pre-School Education Project* (EPPE) tại Anh Quốc cũng chỉ ra rằng trẻ em được đi học mầm non từ độ tuổi 2-4 đạt được kết quả học tập tốt hơn ở cấp tiểu học so với những trẻ không có cơ hội học mầm non hoặc bắt đầu học trễ hơn. Điều này cho thấy môi trường mầm non chất lượng cao không chỉ tạo cơ hội cho trẻ phát triển kỹ năng xã hội, mà còn hỗ trợ trẻ sẵn sàng hơn khi bước vào trường tiểu học.


Một nghiên cứu khác từ Organization for Economic Cooperation and Development (OECD) có tên Starting Strong đã khẳng định tầm quan trọng của việc cho trẻ em bắt đầu đến trường mầm non từ độ tuổi 3-4. Báo cáo của OECD nhấn mạnh rằng những trẻ bắt đầu mầm non sớm có xu hướng phát triển các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề tốt hơn. Đặc biệt, việc tiếp xúc với các hoạt động học tập và vui chơi mang tính tương tác từ sớm giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho việc học tập suốt đời.


Phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội

Việc tiếp xúc với các hoạt động học tập và vui chơi mang tính tương tác từ sớm giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho việc học tập suốt đời.
Trẻ tham gia chương trình mầm non chất lượng cao từ 3 tuổi không chỉ phát triển tốt và nhanh chóng về mặt nhận thức

Cô Paula Hoppu chia sẻ “Trong giai đoạn từ 2 đến 4 tuổi, trẻ em bắt đầu thể hiện sự tò mò mạnh mẽ về thế giới xung quanh và khao khát tìm hiểu thông qua việc chơi đùa và tương tác với người khác” 


Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard (Harvard University's Center on the Developing Child) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về sự tương quan giữa cách não bộ phát triển và kỹ năng xã hội của trẻ em. Nghiên cứu này đã làm rõ hơn tác động của giáo viên và môi trường giáo dục đối với sự phát triển cảm xúc và nhận thức của trẻ từ 3-4 tuổi. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối quan hệ tích cực giữa trẻ và giáo viên mầm non có thể thúc đẩy sự phát triển cảm xúc, thẩm mỹ và kỹ năng xã hội vì trẻ nhỏ trong giai đoạn này rất nhạy cảm với cảm xúc và hành vi của người lớn, và một môi trường học tập tích cực có thể giúp trẻ xây dựng lòng tin và khả năng tự điều chỉnh cảm xúc.


Một nghiên cứu tương tự từ The Perry Preschool Project tại Hoa Kỳ cho thấy rằng trẻ em tham gia chương trình mầm non chất lượng cao từ 3 tuổi không chỉ phát triển tốt và nhanh chóng về mặt nhận thức, mà còn cải thiện kỹ năng xã hội và khả năng kiểm soát cảm xúc trong tương lai. Những kết quả này còn kéo dài đến tận tuổi trưởng thành, khi những trẻ từng tham gia chương trình mầm non có thu nhập cao hơn và ít gặp rắc rối với pháp luật.


Sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ


Trẻ em được tiếp xúc với môi trường học tập phong phú và kích thích trí tuệ từ độ tuổi 3 - 4 có xu hướng phát triển tốt hơn về kỹ năng ngôn ngữ.
Trẻ tiếp xúc môi trường học phong phú và kích thích trí tuệ từ sớm phát triển tốt hơn về kỹ năng ngôn ngữ

“Trẻ em được tiếp xúc với môi trường học tập phong phú và kích thích trí tuệ từ độ tuổi 3 - 4 có xu hướng phát triển tốt hơn về kỹ năng ngôn ngữ. Những trẻ này có vốn từ vựng phong phú hơn và khả năng tư duy logic mạnh mẽ hơn so với những trẻ không được tham gia mầm non từ sớm” - theo cô Karoliina Nygren, Giám Đốc Sư Phạm tại HEI Schools (Phần Lan) chia sẻ.


Việc cho trẻ em bắt đầu đi học mầm non ở độ tuổi thích hợp không chỉ thúc đẩy sự phát triển cảm xúc và xã hội, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhận thức và ngôn ngữ. 


Yếu tố gia đình và văn hóa địa phương


Bên cạnh các nghiên cứu khoa học, quyết định về thời điểm cho trẻ bắt đầu đi học mầm non còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như hoàn cảnh gia đình, điều kiện văn hóa và môi trường sống. Ở nhiều quốc gia, trẻ em có thể bắt đầu đi học mầm non từ độ tuổi 1 hoặc 2, nhưng ở một số nơi, việc này có thể bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào sự chuẩn bị của gia đình và tính chất của hệ thống giáo dục địa phương.


Trong thời gian công tác tại HEI Schools Saigon Central (Việt Nam), cô Karoliina cũng chia sẻ thêm rằng “yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong quyết định về độ tuổi cho trẻ đi học mầm non. Một số xã hội ưu tiên việc giáo dục mầm non sớm, trong khi những xã hội khác lại tập trung vào việc chăm sóc trẻ tại nhà cho đến khi trẻ đủ tuổi để vào tiểu học. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ quốc gia nào, các chuyên gia giáo dục đều nhất trí rằng chất lượng của chương trình mầm non và sự hỗ trợ từ gia đình là hai yếu tố cốt lõi giúp trẻ phát triển toàn diện”.


Lời kết

Việc cho trẻ bắt đầu đi học mầm non sẽ thúc đẩy sự phát triển cảm xúc và xã hội
Việc cho trẻ bắt đầu đi học mầm non sẽ thúc đẩy sự phát triển cảm xúc và xã hội

Với các bậc cha mẹ, quyết định về độ tuổi cho trẻ bắt đầu đến trường mầm non không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu uy tín từ NICHD, EPPE, OECD, Harvard University, The Perry Preschool Project, có thể thấy rằng độ tuổi 2-4 là thời điểm thích hợp để trẻ bước vào môi trường giáo dục mầm non. Trong giai đoạn này, trẻ có khả năng phát triển tốt các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức, chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức trong tương lai. Điều quan trọng là cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về chương trình học và môi trường của trường mầm non, đảm bảo rằng con mình được trải nghiệm một môi trường học tập tích cực và hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.


Các nguồn tham khảo: 


1. The NICHD Study of Early Child Care and Youth Development (National Institute of Child Health and Human Development - NICHD, Hoa Kỳ)  

Đây là một trong những nghiên cứu dài hạn lớn nhất và quan trọng nhất về sự phát triển của trẻ em, bắt đầu từ năm 1991. Nghiên cứu này đã đánh giá sự phát triển của trẻ em từ giai đoạn sơ sinh đến thanh thiếu niên, bao gồm cả tác động của việc đi học mầm non đến khả năng nhận thức và xã hội của trẻ.


2. The Effective Provision of Pre-School Education (EPPE) Project (Anh Quốc)  

Dự án EPPE (1997-2004) nghiên cứu sự tác động của giáo dục mầm non đến sự phát triển của trẻ từ độ tuổi 2-4 ở Anh Quốc. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non chất lượng cao có xu hướng đạt kết quả học tập tốt hơn và phát triển kỹ năng xã hội mạnh mẽ hơn.


3. Starting Strong (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD, 2006)  

Báo cáo Starting Strong là một phân tích toàn diện về hệ thống giáo dục mầm non ở các quốc gia thành viên của OECD, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục mầm non đối với sự phát triển nhận thức, xã hội, và cảm xúc của trẻ em.


4. The Perry Preschool Project (David P. Weikart và các cộng sự, Hoa Kỳ)  

Nghiên cứu này bắt đầu vào thập niên 1960 và theo dõi các trẻ em từ những gia đình thu nhập thấp tham gia vào chương trình mầm non chất lượng cao. Kết quả cho thấy trẻ tham gia vào chương trình có nhiều lợi ích dài hạn, bao gồm khả năng học tập tốt hơn, thu nhập cao hơn, và giảm tỷ lệ phạm pháp.


5. Harvard University's Center on the Developing Child Research  

Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard đã thực hiện nhiều nghiên cứu về phát triển não bộ và kỹ năng xã hội của trẻ em. Một trong những báo cáo quan trọng từ trung tâm này là nghiên cứu về tác động tích cực của giáo viên và môi trường giáo dục đối với sự phát triển cảm xúc và nhận thức của trẻ từ 2-4 tuổi.


6. Pre-Kindergarten Research (Institute of Education Sciences - IES, Hoa Kỳ)  

Nghiên cứu này tập trung vào tác động của chương trình giáo dục mầm non đối với sự phát triển nhận thức, đặc biệt là ngôn ngữ và kỹ năng tư duy của trẻ em từ độ tuổi 3-4. IES đã đưa ra nhiều báo cáo khẳng định rằng sự can thiệp giáo dục sớm giúp trẻ có vốn từ vựng phong phú và khả năng tư duy tốt hơn.


Comments


bottom of page