Montessori, Reggio Emilia, Waldorf, phương pháp giáo dục Phần Lan, Anh, Mỹ, Úc, v.v … là những mô hình phổ biến nhất cho giáo dục mầm non hiện nay. Những cái tên này đã phát triển trên phạm vi toàn cầu, với bề dày lịch sử thúc đẩy quyền được giáo dục và định hướng phát triển cho các phương pháp giáo dục trẻ em ngày nay. Sẽ khó có một so sánh thắng thua giữa các phương pháp này theo kiểu cái này hay hơn hoặc cái kia chán hơn. Khi đã nói đến giáo dục tuổi đầu đời, tất cả những người làm giáo dục chắc chắn đều hướng đến mục tiêu là làm những điều tốt nhất cho sự phát triển của trẻ không những trong tình hình trước mắt mà còn trong nhiều năm sau đó. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ nhằm đưa ra những thông tin khái quát về các phương pháp phổ biến này để cung cấp cho các bậc phụ huynh một bức tranh toàn cảnh và rõ ràng hơn trong việc chọn phương pháp phù hợp với hoàn cảnh giáo dục ở Việt Nam hiện tại.
Phương pháp Montessori
Lịch sử hình thành
Mô hình giáo dục Montessori được bác sĩ Maria Montessori nghiên cứu, lên ý tưởng, thiết kế và đưa vào ứng dụng từ những năm 1900 tại Rome, Ý. Sự nghiệp bà Maria Montessori vốn là một bác sĩ làm việc với trẻ khuyết tật và cần được hỗ trợ tâm lý. Năm 1907, sau khi nghiên cứu và phát triển một phương pháp dành cho trẻ có nhu cầu học tập đặc biệt, bà đã mở tổ chức Casa Dei Bambini (Ngôi Nhà dành cho trẻ em) dành cho trẻ 4-7 tuổi trong một khu vực chưa phát triển của thành phố Rome. Casa Dei Bambini có thể được xem là phiên bản đầu tiên của trường mẫu giáo theo phương pháp Montessori.
Ý tưởng cốt lõi của phương pháp Montessori
Child-centered & follow the child: lấy trẻ làm trung tâm, và để trẻ được chủ động trong quá trình học tập theo tốc độ học của riêng mình.
Mục tiêu chính của phương pháp Montessori
Mô hình Montessori chú trọng vào sự phát triển toàn diện của trẻ, việc học hỏi của trẻ phải bao gồm sự phát triển ở cả trí tuệ và trái tim thông qua sự tương tác của trẻ với các trải nghiệm trong lớp học. Trẻ sẽ được tham gia vào việc xây dựng trải nghiệm học tập của chính mình.
Phương pháp dạy & học theo Montessori
Trẻ sẽ học thông qua các hoạt động chơi (play-based), cách chơi và khám phá các học cụ được chuẩn bị và xây dựng bởi giáo viên. Giáo trình Montessori thường yêu cầu có các giáo cụ, dụng cụ được thiết kế chuyên biệt và cụ thể để giúp trẻ được học về các khái niệm toán học, màu sắc, kích thước, đọc và học viết. Tuy nhiên, tốc độ học (learning pace) và chủ đề sở thích học hỏi sẽ do tự trẻ quyết định theo ý trẻ.
Giáo viên trong lớp học Montessori sẽ có vai trò là người hỗ trợ hướng dẫn. Giáo viên có trách nhiệm quản lý, tạo môi trường và theo sát quá trình học hỏi của từng trẻ, phát hiện mối quan tâm và hiểu tốc độ học riêng biệt của từng cá nhân. Trẻ sẽ học theo cách “con vừa tự phát hiện và tự khám phá ra rằng cái này nó hoạt động như vậy đó”, thay vì học theo cách một chiều truyền thống: “Cô chỉ và hướng dẫn con làm như vậy, con bắt chước làm theo giống cô dạy và con làm được giống cô”.
Vì nhìn nhận rằng mỗi trẻ phát triển và học hỏi ở một tốc độ riêng biệt, thông thường trong các trường Montessori, một giáo viên sẽ có xu hướng gắn bó với một/nhóm trẻ trong nhiều năm liên tục, và một lớp học thường gồm nhiều trẻ trong nhiều nhóm tuổi học cùng nhau (mixed age group). Trẻ không nhất thiết được phân lớp theo độ tuổi, mà sẽ được nhóm theo khả năng riêng và trẻ lớn có thể hỗ trợ cho trẻ nhỏ.
Cha mẹ có thể mong đợi gì từ phương pháp này?
Các bậc cha mẹ có thể chọn trường Montessori với niềm tin rằng trẻ sẽ có được các kỹ năng lãnh đạo và tính độc lập. Khi được đặt vào một lớp học có nhiều độ tuổi, trẻ sẽ học cách làm việc yên lặng và độc lập, phát huy tính tự chủ khi trẻ tập trung vào nhiệm vụ của riêng mình.
Nhìn chung, phương pháp này nhấn mạnh vào việc phát triển các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng từ những năm đầu đời, giáo viên Montessori hỗ trợ sự phát triển tương tác của các trẻ trong lớp với nhau, giúp học sinh phát huy tính tự giác và tự chủ, và giáo viên chỉ hỗ trợ khi cần thiết ví dụ như trong trường hợp học sinh xảy ra các bất đồng.
Trên phương diện trong nước & toàn cầu
Theo nhiều thống kê không chính thức, có khoảng 8,500 trường Montessori ở Mỹ, trong đó khoảng hơn 5,000 trường này thuộc một trong 2 tổ chức lớn American Montessori Society (Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ) hoặc Association Montessori Internationale - được thành lập bởi bác sĩ Montessori. Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 22,000 trường Montessori. Montessori không phải là một thương hiệu bản quyền (registered trademark), cũng không phải là chuỗi franchise, nên tổ chức giáo dục (trường mầm non) nào cũng có thể tự gọi trường của mình là Montessori nếu muốn. Một giáo viên Montessori chính thống có chứng chỉ cần được đào tạo kỹ lưỡng và có kinh nghiệm về các nguyên tắc, khái niệm và phương pháp Montessori. Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ cung cấp thông tin về việc trở thành giáo viên Montessori trên website của họ. Chứng chỉ giáo viên Montessori là không phải là điều kiện bắt buộc, có thể có hoặc không.
Tại TP.HCM, phương pháp Montessori khá phổ biến với nhiều trường mầm non chọn theo phương pháp này. Trong đó, có vài trường theo đúng các đặc điểm như đã được liệt kê ở trên, cũng có những trường mầm non dạy giáo trình nước ngoài và Montessori là một trong những tiết học trong khung giáo trình của trường ví dụ có 1 phòng học Montessori riêng, các lớp khi đến tiết Montessori sẽ di chuyển học sinh đến phòng này để học.
Comments