top of page

Montessori, Reggio, Phần Lan, Anh, Mỹ, Úc, ... cái nào mới tốt cho con? - Phần 2

Montessori, Reggio Emilia, Waldorf, phương pháp giáo dục Phần Lan, Anh, Mỹ, Úc, v.v … là những mô hình phổ biến nhất cho giáo dục mầm non hiện nay. Những cái tên này đã phát triển trên phạm vi toàn cầu, với bề dày lịch sử thúc đẩy quyền được giáo dục và định hướng phát triển cho các phương pháp giáo dục trẻ em ngày nay. Sẽ khó có một so sánh hơn thua giữa các phương pháp này theo kiểu cái này hay hơn hoặc cái kia chán hơn. Khi đã nói đến giáo dục tuổi đầu đời, tất cả những người làm giáo dục chắc chắn đều hướng đến mục tiêu là làm những điều tốt nhất cho sự phát triển của trẻ không những trong tình hình trước mắt mà còn trong nhiều năm sau đó. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ nhằm đưa ra những nhận định khái quát về các phương pháp phổ biến này để cung cấp cho các bậc phụ huynh một bức tranh toàn cảnh và rõ ràng hơn trong việc chọn phương pháp phù hợp với hoàn cảnh giáo dục ở Việt Nam hiện tại.


REGGIO EMILIA Approach - Hướng tiếp cận Reggio Emilia


Lịch sử hình thành

Tương tự như Montessori, Reggio Emilia cũng được sáng lập ở Ý, bởi nhà giáo dục Loris Malaguzzi trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai.


Ý tưởng cốt lõi của phương pháp Reggio-Emilia

Tuy nhiên khác với Montessori, Reggio Emilia không được coi là một phương pháp hay một mô hình giáo dục/ sư phạm, mà thường được xem là một cách tiếp cận hoặc một triết lý giáo dục.



Mục tiêu chính của phương pháp Reggio-Emilia

Triết lý giáo dục của Reggio Emilia tập trung vào việc phát triển trẻ thành một công dân tốt cho xã hội. Đây là một hướng tiếp cận đặt sự sáng tạo, tò mò và hợp tác của trẻ làm cốt lõi. Chương trình học được sắp xếp theo các dự án - “project-based”, với từng chủ đề cụ thể như một hành trình khám phá và kích thích sự học hỏi và mối quan tâm của trẻ.


Reggio cũng lấy trẻ là trung tâm, và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, làm việc cùng với trẻ để tìm hiểu, ghi nhận sở thích và ý tưởng của trẻ. Các dự án sẽ được lên ý tưởng (ideate) & xây dựng dựa trên những ý tưởng này, và thường có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng và có nhiều bước ngoặt khác nhau. Bằng cách trao quyền (empowerment) cho trẻ trong quá trình học tập, mục tiêu giáo dục là thúc đẩy tư duy sáng tạo và niềm yêu thích học tập của trẻ.



Các nhà giáo dục Reggio Emilia tin rằng trường học không phải là nơi truyền tải kiến thức. Thay vào đó, môi trường Reggio cho phép đứa trẻ trở thành người kiến tạo ra văn hóa và tri thức. Môi trường không gian đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các trường học theo hướng tiếp cận Reggio Emilia. Môi trường và không gian vật lý được tạo ra để trẻ khám phá như một “loại ngôn ngữ”, giúp cho trẻ phát triển tư duy. Môi trường và không gian được hình dung như một người thầy thứ ba của trẻ. Trong cùng một ngôi trường, cùng một độ tuổi, 2 lớp học có thể hoàn toàn khác nhau do sở thích của trẻ từng lớp là khác biệt.


Điểm đặc biệt của phương pháp Reggio-Emilia


Vai trò của giáo viên Reggio như một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Nhiệm vụ hàng ngày của một giáo viên Reggio là “documentation” - ghi chép lại tất cả mọi quan sát về học trò một cách khách quan nhất mà không phán xét, bằng nhiều hình thức: nhật ký, chụp hình, quay phim, v.v. để tạo thành một tập tài liệu báo cáo lại quá trình học của từng học sinh. Thông qua sự quan sát cẩn thận, giáo viên giới thiệu những kích thích học tập dựa trên câu hỏi và sở thích của trẻ. Tài liệu document (ảnh, ghi âm, tác phẩm nghệ thuật, v.v.) giúp cả giáo viên và trẻ ôn lại những gì mà trẻ đã được học.


Hướng tiếp cận Reggio Emilia thường thu hút được sự quan tâm của các phụ huynh có tư tưởng cấp tiến và đề cao sự sáng tạo. Hướng tiếp cận này đề cao sở thích và sử dụng mối quan tâm cá nhân của từng trẻ làm nền tảng. Trẻ được khuyến khích khám phá, tìm tòi và phản ánh lại những điều trẻ tự phát hiện ra trong việc tương tác với môi trường hàng ngày, trong từng dự án học tập.


Trên phương diện trong nước & toàn cầu

Vì là một triết lý giáo dục nên các trường Reggio chúng ta thấy hiện nay đều ghi bảng hiệu là “Reggio-inspired”. Không có con số thống kê có bao nhiêu trường “Reggio-inspired” trên toàn thế giới, cũng không có chứng chỉ nào chính thức đào tạo ra một giáo viên Reggio.


So sánh nhanh giữa Montessori & Reggio-Emilia

Một trong những điểm đặc biệt trong chương trình giáo dục Reggio Emilia chính là việc nuôi dưỡng trí tò mò, và phát triển tiềm năng của học sinh thông qua giáo dục thực nghiệm (học qua dự án). Với không gian học tập mở bao bọc bởi thế giới tự nhiên, chương trình học Reggio Emila sẽ được thiết kế theo những dự án nhóm với các chủ đề trải dài từ khoa học, âm nhạc, vẽ tranh, ngôn ngữ, nghệ thuật thị giác, thiên nhiên,… cho con cơ hội khám phá và thể hiện bản thân thông qua “100 ngôn ngữ”. Đặc biệt, mọi qua trình tư duy, trải nghiệm của con trẻ sẽ được giáo viên ghi nhận bằng video, vẽ tranh chụp ảnh chia sẻ cho phụ huynh, khuyến khích phụ huynh trân trọng mọi quá trình trải nghiệm của con trẻ đừng chỉ nhìn vào kết quả.


Theo một hướng khác, phương pháp Montessori khuyến khích bé phát triển độc lập. Do đó trong lớp học Montessori, tương tác của học sinh và giáo viên là tương tác chính, đồng thời các học cụ và bài học của Montessori cũng sẽ thiết kế riêng biệt để đảm bảo tính thống nhất.



コメント


bottom of page